Xử trí những phiền toái ở vú sau sinh

Sau khi sinh, thai phụ thường có hiện tượng bầu vú căng và đau, sữa không chảy ra được do ống tuyến sữa bị tắc, nứt núm vú và tụt đầu vú... lần đầu làm mẹ, với biết bao bỡ ngỡ, đau nhức, lo lắng. Để không làm ảnh hưởng đến nguồn sữa cho bé và sức khỏe của mẹ, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn xử trí đúng cách những hiện tượng thường gặp ở bầu vú sau sinh.

Bầu vú căng, đau, tắc tia sữa

Vài ngày sau sinh, bà mẹ cảm thấy vú nóng, nặng và cứng. Sữa bắt đầu được tiết ra, đồng thời ống lym-phô ở tuyến vú và mạch máu căng lên chèn vào các tuyến vú làm các tia sữa trong tuyến vú bị nghẽn lại đôi khi vú căng sữa có cảm giác như nổi cục, mặc dù dịch sữa vẫn được tiết ra. Ðây là hiện tượng căng sữa bình thường, khi người mẹ cảm thấy bầu vú bị cương lên, hơi đau thì nên cho trẻ bú nhiều lần để hút bớt sữa ra, hoặc dùng tay nắn nhẹ vắt sữa ra. Trong vòng 1 - 2 ngày, vú mẹ sẽ tự điều chỉnh theo nhu cầu của trẻ và sẽ hết căng.bà mẹ cho con bú

Nhân viên y tế hướng dẫn bà mẹ cho con bú đúng cách.

Nếu bầu sữa cương cứng, đau, có thể dùng bơm hút sữa hoặc cho trẻ lớn hơn, khỏe hơn bú ngay từ lúc mới tắc, vú sẽ mềm dần.

Nếu vú bị căng to, càng lúc càng to dần, sờ đau, cứng rắn, bề mặt da đỏ, nóng rực, sản phụ có thể hơi hâm hấp sốt... Trong trường hợp này, nên dùng một bàn tay đè ép bầu vú lên thành ngực hoặc dùng hai bàn tay ép vào nhau. Vừa ép vừa day sẽ làm tan các vị trí sữa đã đông kết. Bởi vì chỉ có lực day ép mới có tác dụng đối với vị trí tắc nằm ở sâu trong bầu vú và mới có thể làm tan sữa đã đông kết, day từ từ theo vòng tròn, tăng dần, khoảng 20 lần, rồi lại làm ngược lại, làm nhiều lần. Mặt khác vừa day, vừa chườm ấm bầu vú giúp cho sữa đông kết tan dần, tình hình sẽ dần được cải thiện và bạn có thể sử dụng kết hợp với máy hút sữa để hút sữa ra.

Hiện nay, một số bệnh viện, có sử dụng đèn hồng ngoại và đèn chiếu ánh sáng xanh giảm tác động của việc tắc tia sữa, cương sữa, giúp thông tia, làm mềm bầu vú. Do vậy trong trường hợp cấp thiết, thai phụ nên đến bệnh viện để thầy thuốc thăm khám và xử trí kịp thời, tránh những biến chứng không đáng có.

Nứt núm vú và tụt đầu vú

Thông thường đầu vú nhô cao lên trên bề mặt của quầng thâm bầu vú. Khi mang thai, đầu vú càng to hơn, càng nhô hẳn lên. Trường hợp nếu đầu vú tụt sâu vào trong, trẻ sẽ không thể bú được. Sữa bị tích đọng trong vú gây tắc tia sữa, viêm tuyến sữa. Do đó, trong thai kỳ, thai phụ cần chăm sóc bầu vú cẩn thận, lau rửa sạch đầu vú bằng nước sạch mỗi ngày. Nếu thấy đầu vú tụt vào, bạn có thể dùng tay kéo nhẹ đầu vú ra ngoài, công việc này cần thực hiện đều đặn và làm hằng ngày. Sau khi sinh, nếu đầu vú tụt vào trong, ảnh hưởng đến việc bú sữa của trẻ và sức khỏe của mẹ, có thể dùng bơm hút để hút sữa ra. Nếu núm vú bị xước hoặc rạn nứt thì nên làm ẩm ướt đầu vú bằng dầu cá, dầu gấc bôi lên đầu vú. Không rửa vú bằng xà phòng và không bôi cồn.

Viêm tuyến sữa

Trong thời kỳ cho con bú thai phụ rất dễ bị viêm tuyến sữa do vi khuẩn xâm nhập vào mô vú gây ra, thông qua vết nứt trên núm vú. Đó là khi thai phụ cho con bú không đúng cách, sữa tích tụ lại. Tư thế cho bú không đúng làm trẻ khó bú, khiến trẻ không nhận được sữa, trẻ có thể làm tổn thương vùng da (nứt) đầu núm vú do trẻ day đi day lại hoặc lôi kéo núm vú; hoặc do núm vú tụt vào hoặc bằng phẳng quá, trẻ sẽ cắn mút đầu vú, hình thành nên những vết thương nhỏ và loét rộng ra, hoặc do sản phụ phải nặn sữa nhưng chưa biết cách nặn khiến núm vú bị tổn thương tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn bên ngoài xâm nhập được vào tuyến sữa qua vết nứt của đầu vú dẫn đến viêm tuyến sữa.

Biểu hiện chủ yếu khi bị viêm tuyến sữa là bên vú bị viêm, sưng, ấn thấy đau, sữa tiết ra không thông suốt, da vú hơi đỏ, người bệnh có cảm giác sốt, sợ rét. Nặng hơn sẽ sốt, đau đớn rất khó chịu, tuyến sữa có mủ,... Nếu không được điều trị sẽ có thể dẫn đến biến chứng bại huyết, áp-xe vú... Do đó các bà mẹ cần chú ý ngay từ khi có biểu hiện sữa không thông (tắc tia sữa), vú cương đau, khi cho con bú cần dùng tay hoặc dùng dụng cụ hút sữa hút hết sữa thừa còn lại ở hai bên vú, vệ sinh vú thường xuyên trước khi cho trẻ bú. Nếu đầu vú đã bị nứt, bầu vú sưng đỏ, sốt,... thì tạm thời dừng cho con bú và đi khám ngay để bác sĩ chỉ định dùng thuốc chữa viêm, không nên để kéo dài tránh biến chứng.

Lời khuyên của thầy thuốcViệc cho con bú sau sinh thường hay gặp những phiền toái nhất định, sữa lưu ứ lại trong vú mẹ gây nên những trục trặc ở núm vú và bầu vú. Khi vú quá căng, một phần do các mô bị phù nề làm cản trở lưu thông sữa, ống dẫn sữa đã bị tắc.Một phần do trẻ ngậm bắt vú không đúng cách, cữ bú ngắn, nên sữa đã không được hút ra tốt. Vậy để tránh được những trục trặc ở bầu vú sau sinh, các bà mẹ cần chú ý đến việc cho trẻ ngậm bắt vú đúng cách: Khi cho con bú, các bà mẹ bế trẻ ở tư thế thoải mái, để toàn thân trẻ sát vào người mẹ, miệng trẻ ngậm sâu vào quầng đến bao quang núm vú, cằm tỳ vào bầu vú mẹ. Trẻ bú đúng cách sẽ giúp mẹ không bị đau rát, không bị nứt núm vú, không căng tức sữa, cải thiện sự lưu thông của sữa giảm đau nhức, viêm tuyến vú. Trẻ bú đúng sẽ giúp trẻ nhận được nhiều sữa, chắc chắn trẻ sẽ lớn lên khỏe mạnh, thông minh và phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần thông qua sữa mẹ.

ThS. Lê Thị Hương